Email:hotro@capi.vn
Kinh nghiệm đầu tư

Kinh nghiệm đầu tư

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ CỔ PHIẾU

24/10/2021
220

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ CỔ PHIẾU

 

Khi chúng ta đầu tư cổ phiếu, chúng ta đều muốn mua được những cổ phiếu “Rẻ”, hay “Rẻ so với giá trị thực” hoặc “Dưới giá trị” để có thể thu hoạch được lợi nhuận lớn. Muốn mua được những cổ phiếu như vậy, chúng ta cần biết “Giá trị thực” của doanh nghiệp là bao nhiêu. Do đó, định giá cổ phiếu doanh nghiệp là hết sức quan trọng.

 

Hiện nay có một số phương pháp định giá cổ phiếu phổ biến như sau:

  1. Phương pháp tài sản ròng (NAV)
  • Cách tính:

NAV hay Net Asset Value là phương pháp định giá dựa trên giá trị của các tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp. Cụ thể

NAV = Giá trị thị trường tài sản – Giá trị thị trường của nợ

Để tính ra giá trị của 1 cổ phiếu ta lấy NAV/Số lượng cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp

Để tính được giá trị thị trường của tài sản chúng ta tìm kiếm các thông tin về giá trị thị trường của các khoản đầu tư, ước tính sô tiền có thể thu được từ các khoản phải thu, ước tính số tiền thu được sau khi trừ đi các chi phí khi bán hàng tồn kho, ước tính giá trị của tài sản cố định, máy móc nhà xưởng phương tiện vận tải, quyền sử dụng đất…

  • Đối tượng phù hợp: Những doanh nghiệp không có tiềm năng tăng trưởng, doanh nghiệp chờ giải thể hoặc để xác định mức giá tối thiểu của doanh nghiệp tương đương với mức giá thanh lý
  • Lưu ý: Phương pháp NAV dùng để tính giá trị thanh lý doanh nghiệp, điều thường ít xảy ra trên thực tế, do đó có thể thích hợp để xác định giá tối thiểu của doanh nghiệp, hoặc giá trị doanh nghiệp khi khủng hoảng. Khi thực hiện phương pháp định giá này, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc ước tính giá trị của tài sản đặc biệt là những tài sản đặc thù như máy móc thiết bị chuyên ngành, đồng thời giá trị vô hình như thương hiệu, nguồn nhân lực, sự yêu thích của khách hàng thường không được tính đến.
  1. Phương pháp hệ số giá tương đối:
    • Phương pháp P/E
  • Cách tính:

Hệ số Giá/Thu nhập trên mỗi cổ phần = P/EPS = Price/Earning Per Share

Trong đó:

P: Giá thị trường của cổ phiếu

EPS = Lợi nhuận sau thuế/Số lượng cổ phiếu đang lưu hành

  • Đối tượng phù hợp: Phù hợp với các ngành nghề có tính ổn định tương đối, không có nhiều biến động bất thường
  • Lưu ý:
    • Những ngành có tính chu kỳ thì P/E có thể biến động rất mạnh, có thể khi P/E cao là an toàn và P/E thấp lại trở nên nguy hiểm, khá khác biệt so với những ngành nghề thông thường, tăng trưởng đều đặn.
    • P/E có mối tương quan với lãi suất tiền gửi dài hạn, ví dụ như thị trường tiền gửi kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 6%/năm thì tương đương P/E 16.7, tiền gửi tiết kiệm có lãi suất 5% thì P/E bằng 20, tiền gửi tiết kiệm có lãi suất bằng 10% thì P/E bằng 10, và P/E của thị trường chứng khoán, một cách logic thường thấp hơn P/E của thị trường tiền gửi , hay tỉ ố E/P của thị trường cổ phiếu cao hơn thị trường tiền gửi tiết kiệm do thị trường cổ phiếu rủi ro cao hơn nên xứng đáng với giá thấp hơn, kèm theo lợi nhuận kỳ vọng cao hơn.
    • Có thể áp dụng biến thể PEG, tính bằng (P/E)/G, trong đó G là Growth Rate, tức tỉ lệ tăng trưởng EPS, với PEG thấp hơn 1 thì đáng quan tâm phân tích sâu hơn, PEG lớn hơn 1 thì có thể thị trường đang đánh giá cổ phiếu này hơi cao rồi.
    • Khi tính toán nên sử dụng EPS trượt 4 quý gần nhất để tính toán đảm bảo tính chính xác và cập nhật.
    • Phương pháp P/B
  • Cách tính:

Hệ số Giá/Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần = P/BVPS = Price/Book Value Per Share

Trong đó:

P: Giá thị trường của cổ phiếu

BVPS = (Vốn chủ sở hữu – Tài sản vô hình)/Số lượng cổ phiếu đang lưu hành

  • Đối tượng phù hợp: Phù hợp hơn cho việc định giá, so sánh giá ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…
  • Lưu ý:
    • Việc loại trừ đi tài sản vô hình có thể khiến những doanh nghiệp có nguồn lao động tay nghề cao, chuyên gia, hay có bằng sáng chế, quyền thương mại… bị đánh giá định giá thấp
    • Giá trị sổ sách không phản ánh giá trị thị trường của tài sản, ví dụ máy móc đang ghi sổ trị giá 100 tỉ nhưng thị trường chỉ định giá 50 tỉ do lạc hậu công nghệ, hay đất đai đang ghi sổ 10 tỉ do mua 10 năm trước nhưng nay giá trị thị trường đang định khoảng 100 tỉ đồng, gây nên những sai số nhất định trong phương pháp P/B
    • Phương pháp P/S
  • Cách tính:

Hệ số Giá/Doanh thu  trên mỗi cổ phần = P/SPS = Price/Sales Per Share

Trong đó:

P: Giá thị trường của cổ phiếu

SPS = Doanh thu thuần/Số lượng cổ phiếu đang lưu hành

  • Đối tượng phù hợp: Phù hợp áp dụng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, chưa có lợi nhuận
  • Lưu ý:
    • Doanh thu có tính ổn định cao hơn, ít bị làm giả số liệu hơn so với lợi nhuận và dòng tiền, do đó khá tin cậy
    • Doanh thu không phải là thước đo nhiều nhà đầu tư quan tâm mà là lợi nhuận và dòng tiền. Doanh thu ngang nhau nhưng có thể có giá rất khác nhau giữa 2 công ty do cấu trúc chi phí, và lợi nhuận.

 

  1. Phương pháp DCF
  • Cách tính

Giá trị của doanh nghiệp có 2 cách tiếp cận theo hướng vốn chủ sở hữu FCFE (Cổ đông) hoặc theo hướng doanh nghiệp FCFF (Cổ đông + Chủ nợ)

FCFE = Lợi nhuận sau thuế + Chi phí phi tiền mặt – Chi phí vốn – Thay đổi vốn lưu động + Thay đổi nợ

Chiết khấu toàn bộ các dòng FCFE này trong tương lai về thời điểm hiện tại theo công thức

PV = FCFE/(1+r)^n

Trong đó

R: Lãi suất chiết khấu, thường tính bằng WACC = chi phí vốn trung bình gia quyền của doanh nghiệp

N: Số năm chiết khấu từ tương lai về hiện tại

Trường hợp doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh âm thì nên áp dụng FCFF

FCFF = Lợi nhuận sau thuế + Chi phí phi tiền mặt + Chi phí lãi vay * (1-t) – Thay đổi vốn – thay đổi vốn lưu động

Sau khi tính ra giá trị PV của dòng FCFF tương lai thì lấy giá trị PV này trừ đi giá trị nợ hiện tại sẽ ra giá trị hợp lý của vốn chủ sở hữu

Các phương pháp chiết khấu này khá phức tạp và khó tính toán, nên để đơn giản, một số trường hợp người ta sử dụng lợi nhuận sau thuế để chiết khấu về hiện tại làm cơ sở ước đoán giá trị doanh nghiệp

  • Đối tượng phù hợp: Phù hợp với đa phần loại hình doanh nghiệp
  • Lưu ý:
    • Cần dự phóng được kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp mới có thể thực hiện được định giá theo phương pháp này. Đây là một điều rất khó để thực hiện chính xác
    • Lợi nhuận sau thuế hay FCFE đều không phải là những thứ thuộc hoàn toàn về cổ đông, do vậy, phương pháp này có thể dẫn tới những sai lệch nhất định và thường có xu hướng định giá cao doanh nghiệp

 

  1. Phương pháp DDM
  • Cách tính

Chiết khấu toàn bộ các dòng cổ tức trong tương lai về thời điểm hiện tại theo công thức

PV = D/(1+r)^n

Trong đó

D: Cổ tức tiền mặt trả cho cổ đông

R: Lãi suất chiết khấu

N: Số năm chiết khấu từ tương lai về hiện tại

  • Đối tượng phù hợp: Dành cho những doanh nghiệp có xu hướng trả cổ tức tiền mặt ổn định, có thể dự báo, hoặc những doanh nghiệp đã vào giai đoạn bão hòa, không có xu hướng đầu tư phát triển thêm
  • Lưu ý:
    • Không áp dụng với cổ tức bằng cổ phiếu

Chính sách cổ tức của công ty có thể bị thay đổi trong tương lai dẫn tới định giá có thể bị sai

Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản