Email:hotro@capi.vn
Kinh nghiệm đầu tư

Kinh nghiệm đầu tư

CÓ NÊN MUA Ô TÔ KHÔNG?

17/04/2020
210

Nếu như ngày xưa các cụ cho rằng: “Làm nhà, lấy vợ, tậu trâu” là 3 việc lớn nhất cuộc đời. Thì hiện nay, quan niệm ấy vẫn đúng, chỉ có “tậu trâu” đã được thay bằng “mua xe”. Những người mua xe thường băn khoăn: Có nên mua ô tô không? Chi phí nuôi xe Ô tô là bao nhiêu mỗi tháng? …. Bản thân tôi cũng đã từng mua xe, rồi bán, rồi lại mua. Đúng là không có thì thiếu có thì thừa. Với kinh nghiệm nhiều lần mua xe rồi bán, tôi hy vọng bài viết này sẽ đưa ra một số phân tích giúp bạn quyết định một việc lớn trong đời.

  1. Những điều tuyệt vời ô tô mang đến cho bạn?

Ô tô là một phương tiện di chuyển hữu ích: đi làm, đưa đón con, về quê...Những hôm trời mưa hay giá rét hay mới thấy ô tô giá trị thế nào. Hãy tưởng tượng con bạn sốt cao trong đêm và bạn có thể nhanh chóng và chủ động đưa con bạn vào bệnh viện. Những lúc như vậy không chi phí nào có thể mua được tính kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cũng chủ động trong việc đi chơi cuối tuần, về quê, che nắng che mưa bão, hay được tạm nhìn nhận là thành đạt khi về quê. Ô tô cũng mang lại cho gia đình bạn cảm giác ấm áp, thư giãn và an toàn, đặc biệt là trong dịp lễ Tết cần đi xa. Thế nên, trong xu hướng hiện đại, mỗi gia đình đều ao ước sở hữu một chiếc xe ô tô để cuộc sống được dễ chịu hơn.

  1. Chi phí để sở hữu một chiếc ô tô?

Tuy nhiên, những chi phí đi theo một chiếc xe không hề nhỏ, mà mỗi cá nhân/gia đình cần cân nhắc thật cẩn trọng trước khi «rinh» chiếc xe mơ ước về. Hãy cùng xem chúng ta sẽ bỏ ra những chi phí nào để được Ô tô phục vụ nhé:

  • Số tiền ban đầu mua xe: giao động 300 triệu tới khoảng hơn 2 tỉ tùy theo từng loại xe Ô tô. Một chiếc xe trung bình phổ biến ở Việt Nam hiện nay khoảng 600 triệu đồng
  • Chi phí cơ hội: Hãy nghĩ xem nếu không mua xe, chúng ta có thể thu lãi tiết kiệm được từ số tiền mua xe. Số tiền này là 36 triệu/năm đối với xe 600 triệu
  • Chi phí thường xuyên để “nuôi” Ô tô. Các chi phí này bao gồm: xăng xe, vật tư tiêu hao như nước làm mát, nước rửa kính, gạt mưa, bảo hiểm vật chất, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm xe, rửa xe, gửi xe, đồ chơi xe hơi, chi phí sửa chữa bảo dưỡng định kì và bất thường, chưa kể tới phí phạt vi phạm giao thông (nếu có)…Những chi phí này cũng tốn kém 2-10 triệu đồng/tháng cho từng loại xe khác nhau. Mức trung bình khoảng 5 triệu/tháng. Các chi phí này được phân làm 2 loại là chi phí cố định (thường là như nhau cho các loại xe) hoặc chi phí biến đổi (thay đổi theo giá trị xe)
  • Khấu hao xe: Xe bạn sẽ già đi theo năm tháng và tất nhiên kèm theo việc xuống giá định kì nữa, chưa kể các tác động của thuế cuối 2017 sẽ còn làm giá xe giảm sâu hơn so với thường lệ. Mức giảm giá xe của các loại xe trung bình khoảng 30 triệu /năm tương đương 5% giá trị xe.


Như vậy, mỗi năm chủ xe sẽ chi tiêu hết khoảng 126 triệu tương đương 21% giá trị chiếc xe. Thật kinh khủng. Nhưng ít ai cảm nhận hết những chi phí này đang diễn ra như thế nào.Bởi vì, chi phí cơ hội và chi phí khấu hao là những chi phí “không bằng tiền”, do đó chúng ta ít quan tâm tới. Chỉ tới khi bán lại xe chúng ta mới cảm thấy “chua xót” vì những chi phí vô hình này.

Trong các loại xe bình dân phổ biến tại Việt Nam hiện nay, những loại xe cũ, có giá khoảng 300 triệu như BMW, Mercedez đời dưới 2004 hay Ford Mondeo đời dưới 2005 thì sẽ có tỉ lệ chi phí trên giá trị xe cao nhất là do yếu tố tác động của các chi phí cố định. Đó là chi phí  gửi xe, rửa xe, sửa xe, đăng kiểm…


Trong khi đó, những xe có giá trị càng cao thì chi phí tuyệt đối về mặt giá trị tiền càng cao là do ảnh hưởng của những chi phí biến đổi. Điển hình như chi phí bảo hiểm vật chất, tiền lãi ngân hàng bị mất đi hay chi phí cơ hội…đều tính theo tỉ lệ trên giá trị xe.

(Bảng Excel tự tính toán)

Trong hình là bảng ước tính tỉ lệ chi phí trung bình trên giá trị xe mang tính tham khảo (Ở các thành phố lớn). Chi phí này không chỉ phụ thuộc vào giá trị xe và tỉ lệ khấu hao xe mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như thương hiệu, đời xe, dòng xe, tiêu hao nhiên liệu, thị hiếu (thích xe Nhật chẳng hạn) hay độ “lành”của xe (Ít hỏng vặt dẫn tới chi phí sửa chữa thấp), chi phí đỗ xe, gửi xe…nên chỉ mang tính tham khảo.

 

3.Khi nào bạn nên mua ô tô?

Người quan tâm tới sức khỏe gia đình, sự tiện lợi và chủ động thì bảo rất đáng mua Ô tô. Người tính toán, thực dụng hơn thì cho rằng không nên vì chi phí dành cho xe là rất lớn. Rõ ràng đây là câu chuyện về quan điểm cá nhân và quyền lựa chọn là ở mỗi người.

 

Đứng trên góc độ lý trí, và góc độ quản lý tài chính gia đình, có lẽ không nên mua Ô tô khi chưa đạt được một số yêu cầu về tài chính, để tránh việc mua Ô tô trở thành gánh nặng. Một số tiêu chí cần đạt được trước khi mua Ô tô các bạn có thể tham khảo:

  • Số tiền bỏ ra ban đầu để mua xe nhỏ hơn 10% tổng tài sản ròng bạn có. Hãy dành phần lớn tài sản của bạn để đầu tư sinh lời thay vì mua tiêu sản (Tài sản không sinh lời, mất chi phí để duy trì).
  • Hạn chế sử dụng vốn vay để mua xe Ô tô, trừ phi bạn mua xe phục vụ kinh doanh.
  • Chi phí trung bình nuôi xe (Bao gồm cả lãi vay nếu có, không bao gồm các chi phí cơ hội hay khấu hao) hàng năm nhỏ hơn 10% tổng thu nhập hàng năm của cả gia đình. Có nghĩa những gia đình ở thành phố lớn có thu nhập trung bình từ 600 triệu/năm trở lên có thể nghĩ đến việc sở hữu xe hơi (Ở tỉnh thì có thể yêu cầu sẽ thấp hơn)
  • Tâm lý thoải mái, chấp nhận chi phí, chấp nhận tài sản mất giá khi sở hữu Ô tô
  • Có kế hoạch giúp Ô tô sinh lợi và tự chi trả các chi phí liên quan bằng việc cho thuê lại xe lúc rảnh rỗi, kết hợp cho thuê chạy xe dịch vụ công nghệ như Be hay Grab, nhận quảng cáo trên xe, kinh doanh bằng xe Ô tô…

    Vậy nếu bạn không thể mua ô tô thi sao nhỉ?

Đâu có sao, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Bạn có thể đi xe taxi, Grap hay thuê xe tự lái với chi phí rẻ hơn nhiều, chỉ bằng 1/3 so với tự mình sở hữu một chiếc xe hơi. Chỉ có điều, bạn sẽ bớt “oai” đi một tí thôi mà 

Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản