Email:hotro@capi.vn
Kinh nghiệm đầu tư

Kinh nghiệm đầu tư

NHỮNG CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO TRONG ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN CẦN LƯU Ý

26/10/2021
141

NHỮNG CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO TRONG ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN CẦN LƯU Ý

Bất động sản là kênh đầu tư hàng đầu hiện nay tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn tiết kiệm mồ hôi xương máu của mình để đi đầu tư trong khi chưa nhiều kinh nghiệm, chưa biết rằng trên thị trường bất động sản đầy rẫy những cạm bẫy sẵn sàng sập xuống những nhà đầu tư non kinh nghiệm. Do đó, hiểu về những mặt trái của đầu tư bất động sản là hết sức cần thiết với mọi nhà đầu tư.

Những chiêu trò lừa đảo phổ biến trong đầu tư bất động sản có thể kể đến là:

 

1. Nhóm chiêu trò liên quan tới "làm giả" hoặc lừa dối:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc sổ đỏ, sổ hồng có thể bị làm giả. Một người khách lạ giả vờ muốn mua bất động sản của bạn rồi nhờ bạn chụp đầy đủ rõ nét cả 4 trang sổ đỏ, chụp cả chứng minh thư sổ hộ khẩu gửi cho họ nhưng sau đó họ không mua nữa. Bọn chúng lấy thông tin sẵn có in lên phôi sổ giả, làm chứng minh thư sổ hộ khẩu giả sau đó bán cho người khác. Hoặc trường hợp này bạn là người mua thì cũng thiệt hại khủng khiếp không kém. Hoặc cùng trường hợp này, giả vờ mua đến xem sổ gốc rồi lừa tráo sổ giả, mang sổ gốc đi bán.

- Làm giả văn bản ủy quyền, làm giả văn bản từ chối quyền tài sản của vợ hoặc chồng. Sau khi bán xong nhận tiền xong thì vợ/hoặc chồng ra mặt giở trò không đồng ý bán. Đất phải trả lại, tiền thì họ đã tiêu xong.

- Lô đất không giấy tờ bán rẻ giấy tay hoặc bán vi bằng cho nhiều người

- Bị lừa bán đất nằm trong quy hoạch

2. Nhóm chiêu trò liên quan tới đặt cọc:

- Bên mua 1 giả vờ đặt cọc 300 triệu mua giá 5 tỉ, sau đó bên mua 2 hỏi mua với giá 6 tỉ nhưng đặt cọc chỉ 100 triệu. Theo như tính toán thì lãi thêm được 1 tỉ, trừ đi tiền phạt cọc cho người đặt cọc 1 vẫn lợi hơn 700 triệu nên quyết định hủy cọc với người mua 1. Rốt cuộc người mua 2 không mua nữa và chịu phạt 100 triệu, bọn chúng thu về 200 triệu lãi ròng chỉ cần nhờ lòng tham và thiếu sáng suốt của người bán.

- Bên mua hỏi mua mảnh đất của bạn, đã xem xét đầy đủ giấy tờ và đo đạc trắc địa đầy đủ và họ biết mảnh đất bị thiếu diện tích hoặc bị chồng lấn ranh, nên họ đưa vào hợp đồng đặt cọc điều khoản phạt nếu đất không đủ diện tích hoặc chồng lấn ranh, đồng thời đặt cọc cao lên. Chủ nhà chủ quan có thể bị dính bẫy phạt cọc trong trường hợp này.

- Cọc giấy tay, không có người làm chứng, bị chủ bán xù luôn, không ký công chứng bán

- Nhận cọc sau đó khách mua bỏ cọc theo hợp đồng đặt cọc công chứng, khi muốn bán cho người khác thì không thể bán vì chưa ký hủy hợp đồng đặt cọc công chứng.Lúc này người mua năm xưa có thể đòi bạn một số tiền lớn hơn số tiền đã bị phạt cọc năm xưa mới chịu đi ký thanh lý hợp đồng đặt cọc. Đó là còn may, bạn có thể còn không tìm được người mua cũ đó và không thể bán được nhà.

 

3. Nhóm chiêu trò liên quan tới thanh toán

- Thanh toán tiền giả

- Ký đóng dấu, phát hành hợp đồng công chứng xong mà vẫn chưa nhận được tiền, báo chuyển khoản lỗi..., về nhà lấy tiền mặt mất hút

- Yêu cầu thanh toán cho bên thứ 3, thanh toán trả nợ thay cho chủ nhà bị chủ nhà trở mặt nói chưa thanh toán

 

4.Nhóm chiêu trò khác

- Chỉ sai ranh giới đất, không bàn giao hiện trạng, ranh đất dẫn đến tranh chấp sau này

- Chủ cũ cho người ở nhờ trên tài sản, không bàn giao dẫn tới không đuổi được người ở nhờ ra khỏi tài sản

- Giao cho chủ cũ của bất động sản làm các thủ tục sang tên giúp bạn, đến lúc xong thì chủ cũ không giao cho bạn, thậm chí đòi tiền thêm mới giao sổ

- Khi giao dịch không lấy đủ hồ sơ sao y công chứng chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu của người bán hoặc thiếu số lượng hoặc thiếu chữ ký đến khi đi tìm người bán nhờ vả rất khó khăn, có thể lại phải mất thêm tiền.

 

Như vậy trong giao dịch bất động sản có rất nhiều rủi ro đang rình rập, chúng ta cần trang bị kiến thức và luôn cẩn trọng khi giao dịch bất động sản:

- Luôn tới xem thực địa bất động sản, đi xem xung quanh và hỏi han trao đổi với hàng xóm, tổ trưởng dân phố...

- Luôn kiểm tra pháp lý tài sản ở địa chính xã, địa chính huyện, văn phòng công chứng (Tra UCHI) trước khi giao dịch

- Thanh toán nhiều đợt dễ kiểm soát tình hình và sự hợp tác của bên bán

- Luôn yêu cầu lăn tay, luôn yêu cầu có người làm chứng

- Trang bị kỹ năng phát hiện sổ đỏ giả, chứng minh thư giả qua nhận diện đường vân, đường gân nổi, mã vạch, mã số sổ, tem màu chống giả...

- Tuyệt đối không mua giấy tay hoặc qua vi bằng, bất kể giá rẻ thế nào

Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản