Email:hotro@capi.vn
Kinh nghiệm đầu tư

Kinh nghiệm đầu tư

NHỮNG SAI LẦM KHI MUA BẢO HIỂM NHÂN THỌ

31/10/2022
176

Nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ không đúng nhu cầu, đến khi yêu cầu đền bù mới ngã ngửa ra bất ngờ, không nhận được đền bù hoặc số tiền nhận về quá thấp so với kỳ vọng dẫn tới cho rằng bảo hiểm lừa đảo. Vậy chọn sao cho đúng loại bảo hiểm bạn cần?

Trước hết, cần hiểu bản chất ngành bảo hiểm cũng là 1 ngành kinh doanh, ngành kinh doanh rủi ro. Mà phàm là 1 ngành kinh doanh thì mục tiêu của nó là lợi nhuận.

Do đó, không phải bảo hiểm nhân thọ là ngành kinh doanh vì tình yêu, kinh doanh vì tình thương, vì trách nhiệm xã hội, vì mái ấm gia đình như họ vẫn hay quảng cáo. Đó là 1 mặt tốt của ngành kinh doanh này mà thôi, ngoài ra còn có nhiều mặt khác nữa. 

Ngành bảo hiểm kinh doanh rủi ro dựa trên xác suất. Theo đó, dựa trên thống kê số lớn về nhân khẩu học và dữ liệu bảo hiểm đã xảy ra trong quá khức, họ sẽ tính toán xác suất xảy ra sự kiện bảo hiểm (tử vong hoặc thương tật hoặc nằm viện...) và qua đó định ra mức phí phù hợp cho mỗi đối tượng mua bảo hiểm. Xác suất xảy ra càng cao thì tỉ lệ phí càng lớn. Điều này cũng là công bằng.

Công ty bảo hiểm nhân thọ khi thu tiền phí của bạn thì trong năm đầu tiên, đa phần sẽ được chia như sau 20-40% phí được chia cho đại lý bảo hiểm (tư vấn viên) tùy theo loại sản phẩm (khó bán thì hoa hồng cao và ngược lại dễ bán hoa hồng thấp), phần còn lại được đưa vào phí bảo hiểm cơ bản. Các năm sau tỉ lệ đưa vào phí bảo hiểm cơ bản tăng lên và hoa hồng phí giảm dần xuống, thường về 0 sau vài năm kể từ lúc mua. Dòng tiền thu được từ phí bảo hiểm sẽ được công ty bảo hiểm đầu tư vào một số hạng mục như: trái phiếu chính phủ, tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu thường theo tỉ lệ giảm dần. Những tỉ lệ đầu tư, sử dụng tiền phí này được bộ tài chính quản lý rất chặt chẽ và đa phần phân bổ vào những tài sản có tính an toàn cao, tính thanh khoản cao, những khoản đầu tư rủi ro thường chỉ được chiếm một tỉ trọng nhỏ trong tổng danh mục đầu tư.

 

Những sai lầm thường gặp khi mua bảo hiểm nhân thọ

1. Chọn sai tư vấn viên/đại lý bảo hiêm:

- Mua bảo hiểm nhân thọ không vì kế hoạch tài chính của mình mà vì ủng hộ đại lý bảo hiểm, đại lý bảo hiểm là người quen, người thân nên ngại từ chối. Đại lý bảo hiểm "quá" nhiệt tình vồn vã thúc ép xuống tiền mua bảo hiểm dẫn đến không mua thì "ngại"

--> Phương án: Lựa chọn, so sánh nhiều sản phẩm có mục đích tương đương, mệnh giá tương đương ở nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ, chọn ra loại sản phẩm phù hợp nhất, chọn tư vấn viên khách quan về sản phẩm, tư vấn cặn kẽ, không hối thúc. Nếu sản phẩm tương đương về mức phí, quyền lợi... thì lúc đó mới tính đến ủng hộ người thân người quen (Để cho họ được nhận hoa hồng bảo hiểm)

- Một loại sai lầm nữa khi chọn sai tư vấn viên/đại lý bảo hiểm khi mua bảo hiểm đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Ngân hàng có quan hệ với công ty bảo hiểm (Bancasurance) và em giao dịch viên xinh đẹp của ngân hàng chính là 1 sales bảo hiểm đang mỉm cười với bạn. Loại này dễ dẫn đến tư vấn qua loa không đầy đủ, so sánh với sản phẩm tiết kiệm ngân hàng (Vốn không tương đồng về mục đích), sales hành động vì lợi ích của ngân hàng, công ty bảo hiểm và lợi ích của chính mình (hoa hồng) mà không đứng về phía khách hàng. Mua trong trường hợp này khách hàng cũng không có điều kiện so sánh với sản phẩm tương đương ở các công ty bảo hiểm nhân thọ khác

 

2. Mua bảo hiểm sai mục đích:

- Thay vì gửi tiết kiệm 5%/năm bạn được tư vấn vừa được bảo hiểm vừa hưởng lợi nhuận 7%/năm. Nghe có cái gì đó sai sai. Mục đích chính của bảo hiểm nhân thọ là mang lại 1 khoản tiền bồi thường thay cho nguồn thu nhập bị mất đi khi người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn, thay vào đó bạn đi mua bảo hiểm với mục đích "sinh lời". Đương nhiên được bảo hiểm cộng với được sinh lời từ nguồn tiền đóng là điều tuyệt vời. Nhưng vì công ty bảo hiểm chỉ đầu tư phần lớn số vốn vào những loại hình đầu tư an toàn nên bạn không thể kỳ vọng một mức lợi nhuận cao được. Mức 7% đã đề cập ở trên là mức lãi suất "minh họa", mức lãi suất ví dụ chứ không phải mức lãi suất bạn "sẽ được nhận"

- Mua bảo hiểm với mục đích đầu tư: Điều này hơi gây tranh cãi một chút. Nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư. Thực ra tư duy đầu tư là tư duy đúng nhưng đầu tư kết hợp với bảo hiểm thì có vẻ không đúng lắm vì kết quả đầu tư của các quỹ liên kết bảo hiểm khá là tệ, nếu không biết gì về đầu tư thì mua chứng chỉ quỹ ETF phí rẻ hơn mua liên kết đầu tư nhiều lần

- Mua bảo hiểm nhân thọ mà không biết mình cần gì, mua theo phong trào khi chưa hiểu rõ mục đích bảo hiểm nhân thọ

 

3. Mua bảo hiểm để trục lợi

Đây là một sai lầm nguy hiểm. Ý định trục lợi, lừa dối công ty bảo hiểm tự thân mình đã là một hành động không đạo đức rồi. Nếu cấu kết với đại lý bảo hiểm thì còn tệ hơn nữa. Có thể đại lý bảo hiểm dưới sức ép doanh số, sự hấp dẫn của khoản hoa hồng phí thôi thúc bạn cứ khai sai, chỉnh sửa hồ sơ để vượt qua vòng cấp bảo hiểm nhưng một khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì không phải công ty bảo hiểm nhân thọ mặc nhiên bồi thường cho bạn. Họ sẽ kiểm tra lại hồ sơ, điều tra lại trước khi chấp nhận bồi hoàn cho bạn. Rủi ro không được bồi hoàn là rất cao. Đến lúc này bạn trách công ty bảo hiểm lừa đảo. Nhưng tính từ này nên dành cho bạn trước.

Đôi khi bạn vô tình khai sai khai thiếu dẫn tới không được bồi hoàn. Có thể do bạn không hỏi kỹ hoặc đại lý bảo hiểm tư vấn không kỹ dẫn tới thiệt hại. Không hiểu biết đôi khi cũng là một cái tội.

Công ty bảo hiểm không phải một cái Quỹ yêu thương chi tiền cho bạn vô điều kiện khi bạn gặp khó khăn trong cuộc sống, họ sẽ tìm cách để không phải bồi thường cho bạn vì khoản bồi thường này hạch toán vào chi phí của công ty bảo hiểm. Do vậy luôn phải khai đúng đủ trung thực, nếu bạn khai gian dối thì cầm chắc đằng lưỡi trong việc đòi quyền lợi bảo hiểm.

 

4. Mua bảo hiểm sai số tiền:

Số tiền phí đóng bảo hiểm quá cao hay quá thấp cũng đều không hợp lý, nó nên phù hợp với nhu cầu, mục đích và thu nhập của gia đình bạn. Tương tự như vậy, mệnh giá bảo hiểm cũng phải phù hợp với thu nhập "có thể bị mất đi"

 

5. Mua bảo hiểm sai thời điểm:

- Mua quá sớm khi chưa phải là trụ cột của gia đình, chưa có thu nhập thì mua có vẻ chưa hợp lý. Ví dụ mua cho con không hợp lý, phải mua cho bố cho mẹ mới là thương con

- Mua quá muộn: Khi đã có bệnh nặng mới nghĩ đến mua bảo hiểm. Lúc này rất khó mua, đôi khi không mua được. Công ty bảo hiểm sẽ không bán bảo hiểm cho một rủi ro hiện hữu cầm chắc phần thua (xác suất quá cao), trừ phi họ thu phí cao hơn mệnh giá  ^ ^

 

Lợi ích của bảo hiểm nhân thọ là rất rõ ràng, đó cũng là một sản phẩm nhân văn, nên có trong mỗi gia đình, có lợi thế là cố định phí đóng trong suốt thời gian hiệu lực của hợp đồng nên mua sớm giá sẽ tốt hơn là mua muộn. Nhưng nếu gặp một vài sai lầm phía trên thì đôi khi bảo hiểm nhân thọ sẽ trở thành quả đắng.

Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản