CFP - Certified Financial Planner là chứng chỉ danh giá trong ngành quản lý tài sản cá nhân, là bảo chứng cho cam kết đạo đức, tính chuyên nghiệp và chuyên môn của nhà tư vấn. Hãy cùng tìm hiểu các nội dung cụ thể về chứng chỉ này và làm sao để đạt được nó nhé
CFP là gì?
CFP hay Certified Financial Planner là một danh hiệu được công nhận và trao bởi CFP Board of Standard, inc (Mỹ), là chứng chỉ chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý tài chính cá nhân, bao gồm quản lý tài sản, quản lý danh mục đầu tư, bảo hiểm, thuế, kế hoạch tài chính, hưu trí, thừa kế, tiết kiệm...CFP là chứng chỉ hàng đầu trong ngành công nghiệp quản lý tài sản cá nhân đang ngày càng phát triển trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Tại sao lại cần chứng chỉ CFP?
CFP là một chứng chỉ uy tín hàng đầu. Khi bạn sở hữu chứng chỉ CFP, bạn sẽ là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam và sẽ giành ưu thế lớn trong việc giành lấy những vị trí công việc hàng đầu trong ngành công nghiệp non trẻ này. Đồng thời, khi có chứng chỉ CFP, bạn cũng sẽ dễ dàng dành được mức lương cao, dễ dàng tìm kiếm được thêm nhiều khách hàng mới với chất lượng dịch vụ được bảo chứng bởi một danh hiệu hàng đầu trong ngành.
Theo khảo sát của USNews, Mỹ hiện có khoảng 300 nghìn người hành nghề trong ngành tư vấn tài chính cá nhân, trong đó có chưa tới 1/3 trong số họ sở hữu chứng chỉ CFP. Ở Việt Nam thì số người hành nghề đã ít, số người có CFP có lẽ đếm trên đầu ngón tay. Bạn có muốn là một trong những người đầu tiên???
Các bước để đạt được chứng chỉ CFP?
Bước 1: Đầu tiên bạn phải xác nhận điều kiện về học vấn. Theo đó, yêu cầu với một CFP là bạn phải hoàn thành chương trình học đại học hoặc sau đại học tại trường được Bộ giáo dục Hoa Kỳ công nhận. Bạn có thể không đủ điều kiện này khi tham gia thi CFP nhưng bạn phải hoàn thành bằng đại học trong vòng 5 năm kể từ khi bạn vượt qua kỳ thi CFP.
Bước 2: Hoàn thành khóa học được công nhận về kiến thức nền quản lý tài chính cá nhân. Khóa học này được tổ chức tại rất nhiều trường đại học và các tổ chức giáo dục. Hình thức học có thể là trực tiếp hoặc online. Lưu ý là các đơn vị đào tạo này phải được CFP Board chấp thuận thì chương trình học của bạn mới có ý nghĩa.
Trong trường hợp bạn là giáo sư, tiến sĩ, MBA hoặc CFA, CPA...hoặc có các bằng cấp được cấp bởi một cơ quan của Mỹ bạn có thể cung cấp và xin miễn học khóa học bắt buộc này. Khi đó bạn sẽ tiết kiệm kha khá đấy.
Bước 3: Hoàn thành kỳ thi CFP
Bước 4: Hoàn thành các thủ tục xét duyệt công nhận CFP
Bạn cần đăng ký xét duyệt công nhận danh hiệu CFP. Việc đánh giá ngoài vượt qua 3 bước đầu tiên còn cần bổ sung thêm thẩm tra 2 yếu tố nữa, đó là:
- Đủ thời gian làm việc trong ngành quản lý tài sản theo yêu cầu. Theo đó, một kinh nghiệm 3 năm tương đương 6 nghìn giờ làm việc toàn thời gian trong ngành quản lý tài sản cá nhân hoặc 2 năm tương đương 4 nghìn giờ trong ngành liên quan (Kèm theo đó là các chứng minh bổ sung)
- Xác minh đủ tiêu chuẩn về mặt đạo đức hành nghề. Một bản xác minh về các vấn đề của ứng viên như: phá sản cá nhân, phàn nàn của khách hàng, phạm tội, vi phạm lợi ích khách hàng trên hết...sẽ phải được khai báo và điều tra bởi CFP Board. Bạn cũng phải ký vào một bản cam kết đạo đức hành nghề theo mẫu của CFP Board
Kể cả khi bạn có đủ tất cả các điều kiện trên thì CFP Board vẫn là đơn vị cuối cùng ra quyết định có trao cho bạn danh hiệu CFP Professional hay không.
Bước 5: Duy trì danh hiệu
Kể cả khi bạn đã là một CFP bạn vẫn cần thực hiện duy trì danh hiệu này bằng việc đáp ứng các yêu cầu của CFP Board 3 lần trong mỗi 2 năm (Tức khoảng 6 năm duy trì)
- Thứ nhất, bạn phải đóng 100 USD tiền phí kiểm tra (Không hoàn lại)
- Thứ hai, bạn phải đóng 325 USD phí cấp chứng chỉ (Không hoàn lại)
- Thứ ba, bạn phải theo học tiếp tục một khóa học tối thiểu 30 giờ để duy trì và cập nhật kiến thức
Cấu trúc kỳ thi CFP
Kỳ thi CFP là một kỳ thi sẽ rất khó khăn với bạn, đặc biệt là ở một nước không nói tiếng Anh như Việt Nam. Thêm nữa, thị trường tài chính của Việt Nam mới ở thời kỳ sơ khai, còn thiếu nhiều các tài sản đầu tư cũng như luật thuế tài sản có nhiều khác biệt với các quốc gia phát triển nên việc học và thi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nhiều. Vậy mà vẫn thi qua thì phải nói thực sự các bạn rất giỏi và xứng đáng đó nhé.
Kỳ thi CFP kéo dài 6 tiếng trong một ngày, được chia làm 2 phần mỗi phần 3 tiếng, xen giữa là một khoảng thời gian nghỉ 40 phút cho ăn trưa.
Kỳ thi CFP được cấu trúc gồm 170 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi có 4 đáp án, việc của bạn đơn giản lắm - là chọn ra đáp án đúng nhất mà thôi. Yên tâm nhé, về mặt xác suất thì không cần học gì bạn cũng đã có thể đạt được 25% điểm rồi.
Các môn học và trọng số trong kỳ thi CFP:
Các chủ đề chủ yếu được nhắc đến trong bài thi bao gồm:
CFP là một kỳ thi có đỗ có trượt. Điểm đỗ sẽ được CFP Board đánh giá, công bố và thông báo cho bạn. Thông thường có 62-66% thí sinh vượt qua kỳ thi. Mỗi thí sinh được phép thi lại 3 lần trong vòng 24 tháng và tối đa là 5 lần.
Thời gian thi CFP:
Kỳ thi CFP sẽ được tổ chức định kỳ vào tháng 3,7 và 11 hàng năm. Bạn vẫn được phép đăng ký thi dù chưa hoàn thành khóa học tại bước 2 trên đây, nhưng tại thời điểm thi bạn phải có chứng nhận hoàn thành mới được vào phòng thi. Nếu bạn không kịp có xác nhận hoàn thành khóa học này, bạn có thể rút lại lệ phí thi, kèm theo một khoản phí 100 USD.
Địa điểm thi CFP
Hiện đã có nhiều thành phố khắp nước Mỹ và các nước khắp thế giới, đủ các châu lục. Trong đó Việt Nam đã có trên bản đồ thi CFP với TP Hồ Chí Minh.
Ôn thi
Bạn đã rõ các thông tin về kỳ thi CFP rồi. Giờ là lúc chuẩn bị cho kế hoạch ôn thi thôi. Bạn có thể đăng ký các khóa học ôn thi CFP trực tiếp hoặc online. Tài liệu ôn thi CFP thông thường được bao gồm trọn gói trong chi phí khóa học ôn, bao gồm: sách, danh sách câu hỏi ôn tập, bài thi thử (tùy theo gói ôn thi bạn lựa chọn). Ngoài ra còn co flashcard nữa nhưng nói chung bạn nên tự tạo mindmap cho riêng mình sẽ tốt hơn. CFP Board khuyến nghị bạn cần dành 250 giờ ôn tập, hay tương đương với 125 ngày ôn tập 2 giờ, khoảng 4 tháng. Tuy vậy, với những bất lợi về ngôn ngữ hay về mức độ phát triển của thị trường tài chính hay luật thuế ở Việt Nam, có lẽ các bạn cần chăm chỉ hơn các quốc gia khác, dành 6 tháng cho ôn luyện sẽ giúp cơ hội thành công cao hơn.
Bạn cần có một thời khóa biểu được chuẩn bị cẩn thận, tính toán tới mức độ quan trọng của các môn thi theo trọng số của chúng
Chi phí cho kỳ thi CFP
- Phí đăng ký thi: Tiêu chuẩn là 825 USD, đăng ký sớm trước ít nhất 6 tuần có thể tiết kiệm 100 USD còn 725 USD. Còn đăng ký muộn trong vòng 2 tuần trước kỳ thi phí sẽ là 925 USD. Nếu có kế hoạch thi thì bạn nhớ lịch và đăng ký sớm nhé
- Học phí khóa học kiến thức nền quản lý tài chính cá nhân: dao động 4000 USD đến 5300 USD tùy trường và tùy gói bạn chọn (có gói lớp trực tiếp, online tự học, online cả lớp, online với giáo viên hướng dẫn)
- Học phí lớp review kiến thức trước khi thi : 1.300 USD
- Phí duy trì: 100 + 325 USD = 425 USD
Tổng cộng vào khoảng 8000 USD tương đương với khoảng 186-200 triệu đồng Việt Nam (Tính luôn cả thi lại, phí duy trì 3 năm vài trăm USD nữa). Với bạn, nó có đáng hay không?
0 Point
(0%)/Star
0 vote